{SLIDE}

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Thứ tư, 23/01/2019 - 03:53 PM
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

1Phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi được định tính là sự suy giảm thông khí mạn tính. Nó thường diễn tiến xấu dần theo thời gian do môi trường tiếp xúc hay thói quen xấu, điển hình là hút thuốc. Các triệu chứng chính bao gồm khó thở, ho và sinh đờm.

Theo hội lồng ngực Mỹ (ATS, 1995), COPD bao gồm 3 tình trạng bệnh lý: viêm phế quản mãn tính, hen phế quản và khí phế thũng. Đa số bệnh nhân COPD đều mắc cả 3 bệnh trên.

- Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm nhiễm và sản xuất đàm (chất nhày) tăng lên trong ống dẫn khí đường hô hấp. Tắc nghẽn đường dẫn khí xảy ra trong viêm phế quản mạn tính do viêm nhiễm và đàm khiến cho lòng ống hô hấp nhỏ hơn bình thường. Chẩn đoán viêm phế quản mạn tính dựa trên các triệu chứng ho có đàm gần như mỗi ngày, trong ba tháng, trong hai năm hoặc hơn.

- Khí phế thủng là sự giãn nở nang chứa khí thường xuyên, thành phế nang bị phá hủy, không có xơ hóa phổi và phổi mất độ co giãn, dẫn tới tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ trong phổi.

- Hen phế quản là tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp có phục hồi.

2Nguyên nhân gây phổi tắc nghẽn mạn tính

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây COPD hàng đầu. Người hút thuốc dễ bị COPD gấp 10 lần hơn người không hút thuốc. Gần 50% những người hút thuốc lâu dài sẽ bị COPD (hút >20 gói năm thì nguy cơ bị COPD là rất cao).

Hút thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Chú ý nhất là phụ nữ hút thuốc lá trong khi có thai nó ảnh hưởng không những phổi và sức khoẻ của người mẹ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của phổi con.

Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường trong nhà với khói lò sưởi, khói bếp rơm, rạ, củi, than,... gây nên khoảng 20% các trường hợp COPD trên thế giới. Ô nhiễm không khí với khói của các nhà máy, khói của các động cơ giao thông, khói, bụi nghề nghiệp cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Ngoài ra yếu tố di truyền, căng thẳng trong công việc và cơ địa cũng ảnh hưởng sự xuất hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng khá nhỏ.

3Triệu chứng của phổi tắt nghẽn mạn tính

Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, bệnh nhân thường cho rằng đây là chuyện không đáng quan tâm, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là triệu chứng phân theo từng giai đoạn lâm sàng:

Giai đoạn I: Ho mãn tính và khạc đàm, lúc đầu đờm ra ít và loãng, càng về sau càng đặc, khó khạc lên. Những triệu chứng này có thể tồn tại rất nhiều năm trước khi có các dấu hiệu của giới hạn lưu thông khí và thường bệnh nhân không để ý những triệu chứng này.

Giai đoạn II: Giai đoạn này bệnh nhân thường có triệu chứng khó thở khi gắng sức, không di chuyển được. Đây là giai đoạn bệnh nhân thường được chẩn đoán là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Giai đoạn III, IV: Triệu chứng khó thở ngày càng nặng thêm và xảy ra thường xuyên hơn, không di chuyển được, nhiều trường hợp phải dùng mặt nạ thở oxy trường kỳ. Đây là giai đoạn có thể có những biến chứng.

4Các biến chứng của bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính

Biến chứng tim

Rối loạn nhịp tim: Người bị COPD gặp khó khăn để cơ thể có thể lấy đủ oxy và thải carbon dioxide ra môi trường bên ngoài, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính làm nhịp tim rối loạn.
Suy tim: Thiếu dưỡng khí cũng làm tăng huyết áp động mạch phổi dẫn đến tâm thất phải của tim bị căng thẳng, liên tục mở rộng, cuối cùng có thể dẫn đến suy tim.

Biến chứng thần kinh

Theo Tạp chí Sleep thống kê, gần 30% người bị COPD bị mất ngủ mãn tính. Điều này ảnh hưởng đến tâm trạng, lâu dần bệnh nhân sẽ mắc các bệnh lý tâm thần như: Trầm cảm, phiền muộn, lo lắng, bệnh tâm thần hoảng loạn và chứng sợ khoảng rộng không gian (cảm thấy sợ hãi khi ở trong không gian rộng rãi như phòng trống).

Tràn khí màng phổi, ung thư phổi

Mặc dù ung thư phổi và COPD thường đi kèm với nhau nhưng COPD không trực tiếp gây ra bệnh ung thư. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy, ung thư phổi ở những bệnh nhân COPD là do bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá hàng ngày.

Loãng xương hoặc thiếu xương

Tuổi tác và thói quen hút thuốc là yếu tố gây loãng xương ở bệnh nhân COPD. Bên cạnh đó, các triệu chứng kéo dài của COPD, tình trạng viêm, thiếu hụt vitamin D và sử dụng Corticosteroid cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân có nguy cơ mất mật độ xương và bị loãng xương cao hơn người bình thường.

Ngoài ra người mắc bệnh COPD còn có nguy cơ mắc một số biến chứng nguy hiểm khác như: Trào ngược dạ dày thực quản, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh về tim mạch và mất trí nhớ.

5Điều trị phổi tắt nghẽn mạn tính

Điều trị bằng thuốc

Là biện pháp chủ yếu trong điều trị của COPD. Các loại thuốc thường dùng là:

- Kháng sinh: tác dụng chống nhiễm khuẩn phổi - phế quản, thường dùng kháng sinh phổ rộng, phối hợp trong vòng 7-10 ngày.

- Thuốc giãn phế quản: có thể dùng phối hợp giữa nhóm chủ vận b2 adrenergic và kháng cholinergic. Nhóm xanthine ít sử dụng hơn. Đường dùng các thuốc thường phối hợp đường tại chỗ và đường toàn thân.

- Glucocorticoid: thường dùng đường tiêm truyền hoặc đường uống, có thể kết hợp với Glucocorticoid đường tại chỗ. Liều lượng: 40mg đường uống/ngày, trong 10 ngày.

- Thuốc long đờm: hay sử dụng nhóm có hoạt chất N-axetylcystein.

- Thuốc kích thích hô hấp, thuốc giãn động mạch phổi, điều trị suy tim...

Các liệu pháp khác:

- Liệu pháp điều trị oxy: thở oxi để duy trì PaO2 ở mức> 8,0 kPa hoặc SaO2>90.

- Thông khí cơ học: thông khí cơ học xâm nhập hoặc không xâm nhập. Hiện nay có xu hướng dùng thông khí áp lực dương không xâm nhập; áp dụng khi có suy hô hấp cấp, nhược cơ hô hấp.

- Phẫu thuật giảm thể tích phổi.

- Ghép phổi.

- Gây xẹp phổi vùng bị khí phế thũng bằng hơi nhiệt (Bronchoscopic thermal vaporablation).

- Giảm thể tích phổi bằng đặt ống xoắn (Lung volum reduction coil treatment for heterogenous emphysema): qua ống soi mềm, luồn catheter vào vùng khí phế thũng, đẩy ống xoắn kim loại vào và gây xẹp phổi.

- Đặt van phế quản: Qua ống soi mềm, luồn catheter có chứa van và đẩy van vào lòng phế quản của vùng phổi bị khí phế thũng, van sẽ bung ra và tự cố định trong lòng phế quản. Van có tác dụng chỉ cho không khí đi qua một chiều ở thì thở ra, không cho đi qua ở thì hít vào, do đó vùng phổi khí phế thũng sẽ xẹp lại.

- Điều trị khí phế thũng bằng keo sinh học (endobronchial lung sealant therapy in advanced heterogenous emphysema): bơm chất keo sinh học gọi là chất bịt kín (sealant) vào vùng phổi khí phế thũng làm phổi xẹp lại.

- Phẫu thuật giảm thể tích phổi.

- Ghép phổi.

Điều trị đợt bùng phát

Là biện pháp chủ yếu:

+ Kháng sinh: dùng kháng sinh phổ rộng, phối hợp trong vòng 7-10 ngày.

+ Thuốc giãn phế quản: có thể dùng phối hợp giữa nhóm chủ vận b2 adrenergic và kháng cholinergic.

+ Glucocorticoid: tiêm truyền hoặc uống, có thể kết hợp với Glucocorticoid đường tại chỗ. Liều lượng: 40mg đường uống/ngày, trong 10 ngày.

+ Thuốc long đờm, kích thích hô hấp, điều trị suy tim...

+ Thở oxy: lưu lượng 2 - 3 lít/phút để duy trì PaO2 ở mức> 8,0 kPa hoặc SaO2>90%.

+ Thông khí cơ học: thông khí cơ học xâm nhập hoặc không xâm nhập. Hiện nay có xu hướng dùng thông khí áp lực dương không xâm nhập; áp dụng khi có suy hô hấp cấp, nhược cơ hô hấp.

Phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bạn cần không hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc với các khí độc hại, ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát ho, uống thật nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm. Tập thể dục thường xuyên và tập thở đúng cách. Có thể có vẻ khó thực hiện khi có khó thở, nhưng thường xuyên tập thể dục có thể cải thiện tổng thể sức mạnh và sự dẻo dai và tăng cường cơ hô hấp.

Ăn các loại thực phẩm lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp duy trì sức mạnh. Nếu đang thiếu cân, bác sĩ có thể khuyên nên bổ sung dinh dưỡng. Nếu đang thừa cân, giảm cân đáng kể có thể giúp thở. Chia bữa ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa số lượng ít và nhiều năng lượng.

Chú ý đến ợ nóng. Thường xuyên ợ nóng có thể chỉ ra bệnh trào ngược dạ dày (GERD), một vấn đề trong đó acid dạ dày hoặc thỉnh thoảng mật chảy trở lại vào ống thực quản. Điều này thường xuyên có thể làm nặng thêm bệnh COPD, nói chuyện với bác sĩ nếu có ợ nóng thường xuyên.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tỷ lệ mắc COPD mức trung bình và nặng của người Việt Nam trên 35 tuổi là 6,7%, cao nhất diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì nhưng để lại hậu quả lâu dài.

Người bệnh COPD thường xuyên bị khó thở dẫn đến thiếu ôxi trong máu, tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, suy nhược... Vì vậy khi nhận thấy những dấu hiệu đó trên cơ thể của bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

(Hình ảnh tổng hợp từ thanhnien.vn, benhphoi.com, Pinterest, google,...)

Bình luận của bạn
*
*

Bệnh Hô Hấp liên quan

HỆ THỐNG NHÀ THUỐC MỸ CHÂU
CSKH: 352 Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM
Email: lienhe@nhathuocmychau.com
Tel: 0899.79.1368

© Bản quyền thuộc về nhathuocmychau.com

Hiệu quả của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
Sản phầm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Nhà Thuốc Mỹ Châu chỉ phân phối thuốc cho các nhà thuốc theo hợp đồng, chúng tôi không trực tiếp bán hàng cho các cá nhân. Quý khách hàng liên hệ với các nhà thuốc để được hướng dẫn và tư vấn chi tiết. Việc sử dụng thuốc và chữa bệnh phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thiết kế bởi www.webso.vn

0899791368

Back to top